Cây khuynh diệp 1
  • Tên khoa học: Eucalyptus globules Labill, họ Sim (myrtaceae).; Còn gọi là Bạch đàn xanh – Lam an (TQ) – Ngọc thụ.
  • Bộ phận dùng: Lá bánh tẻ của cây khuynh diệp gọi là An diệp. Lá khuynh diệp đã được đưa vào Dược điển Liên Xô cũ.; Ngoài ra còn dùng Cành non của cây khuynh diệp; TInh dầu cất từ lá cây khuynh diệp được ghi nhận trong Dược điển VN và TQ.
  • Mô tả cây: Cây khuynh diệp xanh là một cây to thường mọc thẳng, có thể cao tới 40m. Khi cây non, lá hơi hình trứng nhọn, mọc đối. Khi cây trưởng thành,lá hình lưỡi liềm dài 20 – 25cm, rộng 1 – 2,5cm, mọc so le, trơn láng, hơi trắng như có lớp sáp, có 1 gân chính giữa nổi và nhiều gân phụ, các gân phụ tiếp hợp nhau tạo thành đường viền quanh lá. Lá mọc nghiêng và hình cong lưỡi liềm (nên mới gọi là Khuynh diệp). Phiến lá soi lên thấy nhiều túi tinh dầu. Ở kẽ lá, những nụ hoa hình núm oản, lật ngửa, có 4 cạnh tương ứng với 4 lá. Mùa hoa tháng 5. Quả hình chén.
    • Vỏ cây khuynh diệp màu trắng tron láng, dễ tróc vì vậy nhiều nơi gọi nhầm là Bạch đàn (thực chất cây bạch đàn chính là cây Santalum album Lin họ Đàn hương). Tránh nhầm lẫn với cây Chè cay họ Sim.
    • Ngoài ra còn có loài Khuynh diệp chanh (còn gọi là bạch đàn chanh) lá mùi như tinh dàu vỏ chanh; khuynh diệp trắng, khuynh diệp lá đỏ, lá liễu…không dùng làm thuốc.
  • Thu hái và chế biến: Thu hái vào mùa hạ, khi lá tươi tốt, cắt lấy lá đem về cất tinh dầu theo lối cất kéo. Khi được tinh dầu, chú ý loại ngay nước bằng Natri sulphat khan.
    • Lá và tinh dầu khuynh diệp mùi thơm vị cay. Tinh dầu khuynh diệp phải trong, màu hơi vàng đục mùi thơm đặc biệt, trung tính, không đục, không lắng cặn.
  • Công dụng: Lá và cành non sắc hoặc ngâm rượu pha uống có tác dụng giúp tiêu hóa, chữa cảm cúm, trừ đờm, sát trùng. Ngậm, súc miệng chữa bạch hầu, viêm amiđan. Dùng ngoài da, nước sắc lá khuynh diệp để rửa vết thương lên mủ, vết loét kết quả tốt.
    • Tinh dầu khuynh diệp dùng xoa bóp ngoài chữa đau nhức, tê thấp do bị lạnh, ho tức ngực, cảm mạo, phụ nữ lạnh chân tay sau sinh đẻ, chân tay mỏi mệt. TInh dầu khuynh diệp cũng có thể chế thuốc tiêm chữa ho hoặc pha siro ho.
  • Bảo quản nơi khô ráo, râm mát, tránh nóng ẩm.