Thưởng trà
Trà là gì và những loại trà được ưa chuộng tại Việt Nam
Trà (chè) là một thức uống tao nhã và truyền thống của người Việt. Từ những giống trà (chè) truyền thống cho đến những cải tiến mới trong công nghệ nuôi trồng và chế biến cây trà (chè), hiện nay trên miền đất quê hương chúng ta có rất nhiều trà đa dạng về chủng loại, phong phú về chất lượng. Mỗi loại trà (chè) có một hương vị đặc trưng riêng gắn liền với khẩu vị của mỗi người.
1. Trà (chè) là gì?
- Trà (chè) là hội tụ tinh hoa của trời và đất, của nắng và mưa, của gió và mây trời.
- Uống trà là uống tinh túy của đất trời, là phương thức giao hòa âm dương tao nhã, là những giây phút tĩnh tâm, thanh tịnh nhất.
- Người uống trà là một tao nhân thanh tịnh nhất.
Thưởng thức trà là cả một công trình nghệ thuật vô cùng vĩ đại từ không gian bài trí, từ chỗ ngồi, đến trà cụ, cụ thể hơn là trà ngon, và cách pha trà là cả một nghệ thuật mang tính triết luận, người thưởng trà phải đạt được trạng thái thanh tịnh nhất trong tâm hồn.
Vì vậy, chúng ta cần nhớ 1 câu ông cha ta đã đúc kết cho công trình ngàn đời đó: Nhất nước, nhị trà, tam pha, tứ ấm.
2. Các loại trà hiện đang ưa chuộng tại Việt nam
– Chè tươi:
Nguyên liệu gồm lá chè non và già, to nhỏ, xanh tươi, không qua chế biến, hái về rửa sạch vò nhầu lá bằng tay rồi cho vào nồi hoặc ấm đun nước loại to cho thêm vài lát gừng tươi đun cho đến sôi, chắt ra bát, chén uống ngay hoặc cho vào ấm tích ủ nóng để uống dần trong ngày, màu nước xanh tươi màu lục diệp.
Vùng chè Xuân Mai – Hà Đông hái từng lá, gồm lá già bánh tẻ, dày ròn, nhỏ, vàng, mép lá ít răng cưa; vùng chè Gay – Nghệ An cắt cả cành dài 30-40 cm, gồm búp, lá to, nhỏ, xanh lụcdiệp, mềm mép lá răng cưa sâu.
– Chè nụ: (nụ hoa chè):
Nụ còn non (nụ hạt tiêu), hái trong tháng 10-11 dương lịch, hái về phơi trong bóng râm, cho đến khô màu xanh, nếu phơi nắng thì chóng khô, nhưng nụ màu đỏ, chất lượng kém. Cafein thấp: 2,00%, ít kích thích, được phụ nữ và người già ưa dùng, Pha nước sôi lâu ngấm, nên chè nụ đãi chủ mà không đãi khách. Có khi ướp thêm hoa cúc, có mùi thơm dễ chịu. Sản xuất nhiều ở các tỉnh Nghệ An, Hà Sơn Bình Việt Nam.
– Chè Bạng:
Gồm lá chè già là chủ yếu, giã nát, hay làm băm nhỏ thành mẩu dài như nhau, 2 mm-1cm, màu xanh đen và hơi đỏ. Lá chè không chế biến, hình như chỉ sấy đơn giản bằng phơi hong, không có lông tuyết.
Chè Bạng có tỷ lệ lớn nhất về chất béo: 7.14%, Tanin: 5.25%, tro tổng số: 4.30%, tro hoà tan: 1.40%, Cafein 2.00%, chất hoà tan: 19,10%, đạm: 1,25%, chất béo 7,14%.
Chè Bạng được chế biến từ xa xưa tại làng Vân Tra, giáp Bạng thượng – Thanh Hoá. Trà Huế sản xuất tại Truồi – Thừa thiên cũng chế biến từ lá già, cuỗng chè, cành chè non, băm giã, chế biến đơn giản, ủ rồi phơi nắng.
– Chè mạn Hà Giang (chè bánh, chè chi):
Chè truyền thống vùng chè cổ miền núi phía Bắc Việt nam, nguyên liệu non, một tôm 2,3 lá non,… giống chè Tuyết (Shan), cuống dài, chế biến đơn giản, thủ công.
Búp chè hái về, sao nhanh trong chảo gang, rồi vò bằng tay xong, tãi ra phơi nắng đến khô; chè bán thành phẩm nhồi vào ống bương to đặt trên gác bếp để bảo quản gọi là Chè Lam.
Nước chè màu đỏ, vị dịu, mát, thuần hoà không chát mạnh như chè xanh, chè lục. Chè rời cánh thô, ít xoăn, lồng cồng. Chè mạn ép thành bánh tròn, gói bẹ diễn, đóng thành cối gồm 10-12 bánh.
– Chè ô long:
Trước đây được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc (Phúc Kiến Quảng Đông) và Đài Loan; còn gọi là thanh trà.
Công nghệ: chè nguyên liệu → làm héo và lên men kết hợp→ sao và vò kết hợp sấy khô→ bán thành phẩm. Nước chè màu vàng kim óng ánh, vị đậm mạnh, hương thơm đặc biệt.
Các danh trà Ô long như: Thiết quan âm, Thuỷ tiên, Đại hồng bào, Kỳ chủng, Sắc chủng, bao chủng… là chè Ô long dùng nguyên liệu của từng giống chè đã chọn lọc để chế biến.
– Chè đen:
Chiếm phần trăm lớn nhất trên thị trường buôn bán chè thế giới, theo quy trình công nghệ OTD: chè nguyên liệu tươi → làm héo → vò → lên men → sấy khô → sàng phân loại. Nước chè đen có màu nâu đỏ tươi, vị dịu, hương thơm nhẹ.
Sau khi sàng sẩy, phân loại (trong quá trình tinh chế) chia ra nhiều loại như: OP, P, BOP, BP, FBOP, PS, F, D chất lượng từ cao đến thấp theo kích thước của cánh chè.
– Chè xanh (xưa gọi là chè lục):
Sản xuất nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam theo quy trình: chè nguyên liệu tươi → diệt men → làm nguội → vò → sấy khô → sàng phân loại thành phẩm. Nước xanh vàng, tươi sáng, vị chát mạnh, có hậu, hương thơm nồng mùi cốm.
Diệt men bằng sao chảo gang hoặc máy diệt men có nhiệt độ 230 đến 250oC (chè sao), hấp hơi nước nóng hay hơi nước nóng (chè hấp), hay nhúng nhanh vào nước sôi (chè chần).
Sấy khô bằng hơi nóng, sao chảo (sao suốt), sấy than hoa , sấy lửa củi (chè lửa), hay phơi nắng kết hợp sấy than (chè nắng), chất lượng rất khác.
11 lợi ích tuyệt vời của việc thưởng trà mỗi ngày
Uống trà không chỉ là nét đẹp văn hóa của nhiều đất nước, mà đây còn là thói quen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
1. Trà đen có thể hạ huyết áp
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy uống 3 tách trà đen mỗi ngày có thể làm giảm huyết áp. Nghiên cứu này gồm một nhóm uống trà đen trong 6 tháng và một nhóm khác dùng loại đồ uống caffeine tương tự trong 6 tháng. Kết luận là các thành phần trong trà đen giúp giảm huyết áp chứ không phải caffeine.
2. Trà xanh có chất chống ung thư
Một chất hóa học trong trà xanh có tên EGCG giúp cơ thể người phòng chống bệnh ung thư. Nó có thể giúp giảm các loại ung thư như: đại tràng, bàng quang, thực quản, tuyến tụy, trực tràng và dạ dày.
Nếu bạn có thói quen hút thuốc hoặc uống rượu thì bạn phải để trà nguội rồi hãy uống. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy uống trà trong khi “nóng” hoặc “nóng bỏng” sẽ tăng nguy cơ ung thư thực quản ở những người cũng hút thuốc hoặc uống rượu mỗi ngày.
3. Trà nóng chứa caffein có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy những người uống trà nóng chứa caffein có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp thấp hơn 74% so với những người uống trà không có caffein, cà phê chứa caffein, cà phê không có caffein hoặc nước ngọt.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể xác định cụ thể tại sao trà nóng có chứa caffeine có lợi trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp so với các loại đồ uống khác.
4. Thưởng trà xanh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành
Trong một nghiên cứu của Nhật Bản, các nhà khoa học phát hiện ra rằng uống càng nhiều trà xanh, cơ thể bạn càng có nhiều chất đề kháng phòng chống bệnh về động mạch vành.
5. Trà xanh có thể làm giảm nguy cơ đông máu và đột quỵ
“Trà xanh có công dụng làm giảm fibrinogen, một chất gây bệnh máu đông và đột quỵ trong cơ thể người.” – Bác sĩ Jonny Bowden viết trong cuốn “150 thực phẩm lành mạnh nhất trên hành tinh”.
6. Trà đen giúp làm dịu căng thẳng trong cuộc sống
Một nghiên cứu năm 2010 của UCL (Đại học College London) đã phát hiện ra rằng những người uống một tách trà đen có khả năng giảm căng thẳng nhanh hơn khi so sánh với những người uống giả dược.
7. Thưởng trà xanh giúp giảm thiểu nguy cơ và chống tái phát ung thư vú
Uống trà xanh ít nhất 3-4 ly mỗi ngày sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, chống tái phát ung thư vú. Một nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ tái phát của những phụ nữ uống trà xanh giảm 31%. Uống trà xanh là một trong những phương pháp tự nhiên hàng đầu ngăn ngừa các trường hợp tái phát ung thư vú.
8. Thưởng trà xanh giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn
Tránh xa nước ngọt, rượu, đồ uống nhiều calo vì chúng sẽ mang tới cảm giác mệt mỏi và cản trở quá trình tiêu hóa. Uống trà xanh tự pha là cách hiệu quả để có được hợp chất EGCG (Epigallocatechin gallate) tăng cường trao đổi chất. Ba tách trà xanh mỗi ngày có thể tăng cường sự trao đổi chất lên đến 10%.
9. Trà Rooibos có thể chống lão hóa
Trong một nghiên cứu với chim cút, người ta đã phát hiện ra rằng Rooibos giúp chúng giữ được khả năng sinh sản lâu hơn. Vì chim là loài động vật “quen mặt” trong các nghiên cứu về chống lão hóa, các nhà khoa học tin rằng rooibos cũng có thể giúp ích cho con người.
10. Thưởng trà trắng giúp chống lại áp lực oxy hóa
Tại sao chất chống oxy hóa lại tốt cho chúng ta? Khi chúng ta ăn, cơ thể phải chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Kết quả là quá trình này sản sinh ra các phụ phẩm gọi là gốc tự do. Những chất hóa học này rất độc hại và có thể gây tổn thương cho cơ thể thông qua quá trình gọi là oxy hóa. Về mặt lý thuyết, các gốc tự do này chính là tác nhân gây lão hóa.
11. Trà rooibos (cả đỏ và xanh) được chứng minh là có khả năng bảo vệ chức năng sinh sản của nam giới chống lại áp lực oxy hóa
Trong một nghiên cứu thử nghiệm các chất làm giảm áp lực oxy hóa gồm trà xanh, rooibos đỏ, rooibos xanh và trà xanh Trung Quốc, chiết xuất rooibos giúp bảo vệ sức khỏe tinh trùng tốt nhất.
Tìm hiểu nghệ thuật thưởng trà tại một số nước Á Đông
Một tách trà cũng đủ gói trọn tinh hoa văn hóa Á Đông. Thưởng trà là một nghệ thuật, tổng hòa được sự tinh tế, tao nhã trong từng thao tác. Chính vì vậy, người Á Đông thường quan niệm rằng thưởng trà chính là ta đang đào sâu văn hóa để tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.
1. Nghệ thuật thưởng trà tại Nhật Bản
Người Nhật rất kỳ công trong việc thưởng trà. Khi uống trà, người ta không chỉ quan trọng vị thơm của trà mà còn đặc biệt chú trọng đến khâu pha chế. Với nhiều quy định nghiêm ngặt, thưởng trà Nhật Bản được nâng cao lên, trở thành một trong những môn nghệ thuật, vừa rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì, tỉ mỉ, lại vừa thể hiện được sự tinh tế, tao nhã trong văn hóa.
Người Nhật khá chú trọng khi chọn dụng cụ pha trà. Tách trà nhỏ nhắn, đơn giản nhưng lại được điểm xuyết bởi những đường nét tinh tế. Trà đạo, đặc biệt là trà đạo Nhật Bản rất kén chọn không gian. Sự tĩnh lặng phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Tách trà không đơn thuần là một thứ thức uống, nó chứa đựng và truyền tải sự thư giãn, thể hiện sự hòa hợp với cây cỏ thiên nhiên và con người xứ sở anh đào.
Với những cử chỉ tỉ mỉ, cẩn thận, nhanh nhẹn và khéo léo, bạn sẽ thấy được cả một bầu trời văn hóa khi đến thăm nhà một người bạn Nhật và chứng kiến những kỹ thuật pha trà đỉnh cao.
2. Nghệ thuật thưởng trà Trung Hoa
Trung Quốc là một vùng đất thiên thời địa lợi, phù hợp với sự phát triển của cây chè. Chính vì vậy, quốc gia này cũng chính là cái nôi hình thành nên văn hóa thưởng trà.
Dù cuộc sống có thay đổi đến chóng mặt, những ngôi nhà cổ cũ kỹ được thay thế bởi những tòa nhà chọc trời thì Trung Quốc vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống về trà.
Người Trung Quốc không giữ những quy tắc chuẩn mực và khắt khe như Nhật Bản. Tuy nhiên, trong trà đạo, nghệ thuật và sự tinh tế, đẹp mắt vẫn là điều không thể thiếu. Được chứng kiến đôi bàn tay hoa ngọc của những cô gái Trung Hoa tỉ mỉ xúc ấm, chọn chè, tráng chén,… du khách mới cảm thấu được vẻ đẹp đích thực đến từ văn hóa trà của quốc gia này. Nếu có dịp đến Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh, bạn đừng quên ghé chân một chút vào những quán trà nổi tiếng để thưởng thức hương vị trà và chứng kiến văn hóa trà độc đáo tại đây.
3. Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam
Không cầu kỳ như trà đạo Nhật – Chanoyu hay Gongfucha – trà đạo Trung Hoa, trà đạo Việt Nam có phần đơn giản hơn trong cách pha chế. Tuy nhiên, người Việt đặc biệt là những người có kiến thức uyên thâm về trà, đặc biệt yêu cầu khắt khe về hương vị.
Từ rất lâu đời, uống trà đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Pha trà như thế nào cho đúng cách là cả một nghệ thuật mà các bạn trẻ đang muốn lấy lòng bố mẹ chồng hoặc chuẩn bị ra mắt gia đình bạn gái cần lưu tâm.
Tách trà trong văn hóa người Việt ngoài tác dụng dưỡng tâm, tĩnh trí còn là một trong những phép thử để các bậc cha mẹ đánh giá về tính cách, con người của chàng rể, nàng dâu tương lai.
Nếu như trước đây, trà chỉ được những gia đình quyền quý Việt sử dụng, thì nay văn hóa trà đã trở nên phổ biến và được nhân rộng khắp dân gian.
Hướng dẫn cách pha trà để thưởng trà đúng chuẩn
Mỗi quốc gia với những phong tục và đặc thù riêng biệt sẽ hình thành nên cách pha chế và thưởng trà khác nhau. Với người Việt, nghệ thuật pha trà được gói trọn lại trong một câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.
1. Nhất thủy:
Nước trà là yếu tố đầu tiên và quan trọng làm nên sự tinh túy của tách trà. Loại nước dùng để pha trà phải là nước tinh khiết, ngon nhất phải kể đến loại sương đọng trên lá sen. Dùng loại nước ấy lại cần đun sôi bằng ấm đất trên bếp lò.
Với mỗi loại trà, độ sôi của nước lại không giống nhau. Với trà xanh, nước trà chỉ cần đun sôi sủi tăm còn với trà tẩm hương như trà sen, trà cúc, trà nhài,… nước trà cần sôi già hơn. Nước chưa đủ độ sôi sẽ khiến trà không phai, còn nếu sôi quá lại khiến trà trở nên nồng đậm mà các cụ xưa còn hay gọi bằng cái tên dân giã là “cháy trà”.
2. Nhì trà:
Ngày nay để tiện dụng, chè khô được sử dụng nhiều để pha chế. Tuy nhiên, để có được thứ nước trà thơm nồng đúng điệu thì chè tươi, chè xanh, chè nụ mới là nguyên liệu chuẩn để pha chế. Chè phải được rửa sạch, đem vò kỹ bằng tay để làm giập lá chè, cọng chè đem bẻ nhỏ và tước thành nhiều phần.
Có như vậy chỉ cần đun với nước sôi trong khoảng 15 phút, chè đã đủ độ ngấm và toàn bộ tinh chất từ lá chè sẽ được chuyển sang thứ nước vàng óng ánh trông đẹp mắt và ngon miệng.
3. Tam bôi:
Chén uống trà thường được lựa chọn hết sức tỉ mỉ. Đường kính của chén không nên quá rộng, thường chỉ nhỏ nhắn như hột mít hay mắt trâu, bởi thưởng trà không quan trọng về lượng mà lại quan trọng về chất và tinh thần. Thường một bộ chén sẽ có bốn chén quân, một chén tống (chén to nhất) dùng để chuyên trà.
Khi rót trà cần lưu ý, nếu bộ trà có chén tổng thì đem rót ra chén tống trước rồi san từ đó ra các chén quân. Còn không có chén tống, có thể rót thẳng vào chén quân, nhưng lưu ý thêm là cần rót lần lượt từng ít một vào chén rồi xoay vòng, rót ngược lại, có như thế thì các chén trà mới cùng đậm đà như nhau.
4. Tứ bình:
Trước khi pha trà, bình phải được tráng qua bằng nước sôi bằng cách tưới lên bình trà. Trà đựng trong bình phải được pha vừa đủ lượng để không nhạt quá cũng không đắng quá.
Sau khi rót đủ nước pha trà ngập mặt, người pha sẽ đổ đi nước đầu tiên để rửa trà (Tục này được bắt nguồn từ thành ngữ xưa: tửu tam trà nhị, tức là rượu đến chén thứ ba mới ngấm – trà đến nước thứ hai mới ngon).
Sau đó, người pha trà sẽ hoàn tất khâu cuối cùng, đổ nước gần đầy bình, đem đậy nắp, rót lên nắp bình một lượng nhỏ nước nóng để lưu giữ thứ mùi hương tinh khiết, thơm dịu của trà. Sau 1-2 phút, trà vừa tay, chủ nhà sẽ có thể đem trà mời khách.
5. Ngũ quần anh:
Nhà văn Nguyễn Tuân có câu: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính”.
Người thưởng trà, bạn trà vì thế mới quan trọng, khó kiếm, hiếm gặp. Chỉ có tri kỷ mới có thể im lặng ngồi bên chén trà mà vẫn thấu hiểu được tâm ý của nhau.
Tất cả các công đoạn cầu kỳ ấy, từ chọn nước, chọn trà, pha trà, rót trà đều thấm đẫm màu sắc văn hóa truyền thống và tụ hội tinh hoa dân tộc Việt Nam vốn đã được gìn giữ và lưu truyền qua hàng ngàn năm.
Nhà hàng chay HITA – HITA Vegan Restaurant.
Ăn chay chính là phương thức tiêu thụ hợp lý và giàu tình thương nhất.
Các tìm kiếm liên quan đến thưởng trà
- thưởng trà là gì
- nghệ thuật thưởng trà
- nghệ thuật thưởng trà trung quốc
- thơ thưởng trà
- thưởng trà cuối tuần
- người uống trà gọi là gì
- thú uống trà
- thưởng trà ở hà nội
News Thông tin cà phê
Câu Chuyện Hạt Cà Phê Colombia
ContentsTrà là gì và những loại trà được ưa chuộng tại Việt Nam 1. Trà (chè) ...
News Thông tin cà phê
Cà Phê Papua New Guinea – Hương vị bí ẩn từ Châu Đại Dương
ContentsTrà là gì và những loại trà được ưa chuộng tại Việt Nam 1. Trà (chè) ...
Thông tin cà phê News
Câu Chuyện Hạt Cà Phê Ethiopia
ContentsTrà là gì và những loại trà được ưa chuộng tại Việt Nam 1. Trà (chè) ...
Tin tức Nổi bật Specialty Coffee Thông tin cà phê
Drip Coffee – Phương pháp pha chế mọi barista cần biết
Drip Coffee – Phương pháp pha chế mọi barista cần biết. Bạn là Barista theo ...
News Thông tin cà phê
Arabica và Robusta: Sự khác biệt về hương vị
ContentsTrà là gì và những loại trà được ưa chuộng tại Việt Nam 1. Trà (chè) ...
News Thông tin cà phê
Cảm quan về các hạt cà phê trên thế giới
ContentsTrà là gì và những loại trà được ưa chuộng tại Việt Nam 1. Trà (chè) ...
News Thông tin cà phê
Vòng tròn hương vị cà phê – Coffee Taster’s Flavor Wheel
ContentsTrà là gì và những loại trà được ưa chuộng tại Việt Nam 1. Trà (chè) ...
Thông tin cà phê
Lịch sử cảm quan của ngành cà phê
ContentsTrà là gì và những loại trà được ưa chuộng tại Việt Nam 1. Trà (chè) ...